Phần I: Cậu bé thần đồng
Cách đây đúng 145 năm, ngày 3-9-1862, kì thủ cờ Vây huyền thoại Shusaku đã vĩnh viễn ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của mọi người, kể cả những người không hâm mộ cờ Vây.Bản Nhân Phường Shusaku tên thật là Torajiro Kuwahara, ông sinh ngày 6-6-1829 tại đảo Inno, ngày nay là thành phố Innnoshima của Nhật Bản. Gia đình Torajiro không hề có truyền thống về cờ Vây. Cha ông, Wazo Yasuda là một thương gia khá giả của Inno. Mẹ ông, bà Kame Kuwahara chỉ là một người yêu thích cờ Vây nhưng chơi rất kém.Những câu chuyện kể lại rằng khi mang thai Torajiro, bà Kame rất thường xuyên chơi cờ. Và khi cậu bé ra đời, mỗi khi dỗ dành con, bà lại dúi vào đôi tay bé bỏng những quân cờ Vây (bà này chắc không sợ con trai mình nuốt luôn quân cờ hay sao ấy?!). Thế là cậu bé không khóc nữa. Năm Torajiro lên 4 tuổi, bà Kame bắt đầu dạy con chơi cờ Vây, nhưng chỉ là những nước đi cơ bản.Năm lên 5 tuổi, tại lễ hội mùa thu năm 1834, ông Wazo đưa Torajiro lên thị trấn chơi. Tại đây, cậu bé đã gặp và thi đấu cờ Vây với kì thủ nổi tiếng của đảo Inno, Hashimoto Yoshibei. Ông này chấp Torajiro 9 quân và kinh ngạc khi thấy, cứ sau mỗi ván, cậu bé dường như lại mạnh thêm lên. Thế là, Hashimoto khuyên Wazo nên cố gắng phát triển tài năng của cậu bé nhưng ông Wazo lại chỉ coi đó là lời nói mang tính xã giao.Mùa xuân năm 1835, ông Wazo lại đưa Torajiro lên thị trấn dự lễ hội (Nhật lắm lễ hội quá!) và cậu bé lại gặp lại Hashimoto. Hai người lại đấu cờ và lần này, ông kì thủ nổi tiếng chỉ chấp được đứa trẻ chưa đầy 6 tuổi có ... 4 quân. Nhưng sự tiến bộ của Torajiro chưa dừng lại ở đó. Vài tháng sau, tại lễ hội mùa thu, cậu bé đã đấu ngang tay với Hashimoto mà ... không cần chấp quân.(Đây là một câu chuyện có thật về sự tiến bộ thần tốc trong cờ Vây. Việc có thể đấu ngang tay với người từng chấp mình 9 quân cờ chỉ sau có 1 năm, lại không người dạy dỗ chu đáo của Shusaku chưa một ai có thể làm được.)Hashimoto choáng váng về sức cờ của Torajiro nên ông đã đem chuyện này kể cho rất nhiều người. Chỉ một thời gian ngắn, danh tiếng thần đồng cờ Vây của cậu bé đã lan khắp các hang cùng ngõ hẻm ở đảo Inno.Lãnh chúa của vùng Mihara (bao gồm cả đảo Inno) hay tin liền vời Torajiro vào gặp và đấu cờ với ông. Đấu xong, ông lập tức mời đại sư Hoshin, kì thủ mạnh nhất vùng này và là thầy dạy của chính ông, dạy dỗ cậu bé. Chỉ 1 năm sau, năm 1836, Torajiro đã đánh bại đại sư trong một ván cờ không chấp.
Phần II: Trưởng thành thần tốc
Năm 1837, được sự giới thiệu của Ito Showa 5 đẳng, Torajiro lên Edo (ngày nay là Tokyo) để theo học tại Học viện Honinbo - Học viện cờ Vây nổi tiếng nhất thế giới, ngày nay, nó được gọi là Viện cờ Nhật Bản (Nihon Ki-in).Torajiro nhanh chóng vượt qua đám bạn đồng trang lứa. Một hôm, khi xem cậu bé chơi cờ, Kì nhân Jowa, kì thủ vĩ đại nhất Nhật Bản khi ấy đã thốt lên: “Đây là tài năng cờ Vây kiệt xuất nhất trong suốt 150 năm qua!”.Tháng 12-1839 (có tài liệu nói là tháng 1-1840), Torajiro đạt chuẩn kì thủ nhất đẳng cờ Vây. Mùa hè năm ấy, khi trở về Inno, cậu bé được nhân dân chào đón như một người hùng. Lãnh chúa Asano thì cấp cho Torajiro số bổng lộc gấp 5 lần môn khách bình thường của ông (để chiêu mộ nhân tài mà!).Tháng 9-1841, Torajiro trở lại Edo và nhận được tin mình được phong nhị đẳng. Bản Nhân Phường Shuwa cũng đặt cho cậu bé một cái tên mới là Shusaku (âm Hán đọc là “Tú Sách”), nghĩa là “tài năng nghệ thuật”.Shusaku lên như diều sau đó. Năm 1842, cậu bé lên 3 đẳng. Năm 1843, được phong 4 đẳng và là kì thủ 4 đẳng trẻ nhất trong suốt mấy chục năm qua.Cũng trong năm 1843, Shusaku đã sáng tạo Shusaku fuseki – phong cách khai cuộc Shusaku, phong cách khai cuộc nổi tiếng thịnh hành trong suốt hơn 100 năm mà ngày nay vẫn có rất nhiều người yêu thích.Mùa hè năm 1846, Shusaku tới Osaka và gặp gỡ Bán Kì nhân Gennan Inseki, kì thủ mạnh nhất nước Nhật lúc đó. Cả hai đã đấu 3 ván cờ. Ván đầu, Shusaku được chấp 2 quân nhưng chỉ được vài chục nước thì Gennan huỷ bỏ vì Shusaku được chấp tỏ ra quá mạnh.Ván thứ hai, cả hai đấu bằng, Shusaku được cầm quân Đen. Gennan khéo léo bày ra một cái bẫy và Shusaku đã mắc phải, hay đúng hơn là người ta tưởng chàng trai trẻ mắc phải. Nhưng rồi, tại nước 64, Shusaku đã đặt quân vào điểm JI, một điểm chẳng liên quan gì tới cục diện lúc ấy. Không ai hiểu cái gì đang xảy ra nhưng lạ thay, càng đánh, nước cờ kì lạ ấy càng phát huy tác dụng và nó trở thành điểm mấu chốt để Shusaku thắng ván cờ. Nước đi tại điểm JI ấy trở thành nước đi nổi tiếng nhất làng cờ Vây, nước đi thần thánh.Khi trở về Edo, Shusaku nhận quyết định lên 5 đẳng và được chọn làm người kế vị Shuwa. Nhưng lúc ấy, ông đã nhận lời làm môn khách của dòng họ Asano nên đã từ chối. Học viện Honinbo không chịu từ bỏ thần đồng cờ Vây. Họ dùng mọi thủ đoạn để cướp Shusaku từ tay Asano. Cuối cùng, năm 1847, dưới áp lực từ nhiều phía, Shusaku đồng ý trở thành người kế vị Shuwa.Năm 1849, Shusaku được phong 6 đẳng và chính thức được Mạc phủ bổ nhiệm làm người kế vị Viện trưởng Học viện Honinbo. Kể từ đây, ông được mọi người gọi là Bản Nhân Phường Shusaku.
Phần III: Shusaku Bất Khả Chiến Bại
Tháng 11-1849, Shusaku đại diện cho Học viện Honinbo tham gia các trận đấu lớn tại cung điện Edo - một giải đấu có quy mô rất lớn giữa các kì thủ mạnh nhất nước Nhật, được coi như một giải vô địch quốc gia. Kể từ đó cho đến khi qua đời, Shusaku đã đấu cả thảy 19 ván trong các giải đấu ấy và giành thắng lợi ở ... cả 19 ván.Ngoài ra, kể từ năm 1848 cho đến khi chơi ván cờ cuối cùng vào năm 1861, Shusaku không hề thua bất cứ một ván nào khi cầm quân Đen. Đây là kỉ lục mãi mãi không ai có thể lặp lại được.Những kì tích trên đã khiến cho Shusaku được mọi người đặt biệt danh là “Shusaku Bất Khả Chiến Bại”. Nhưng cũng chính vì biệt danh đó mà ông phải chịu sự đố kị của rất nhiều người, nổi bật trong số đó là Ota Yuzo.Năm 1853, Ota Yuzo 7 đẳng, một trong những kì thủ mạnh nhất thời Edo của Nhật Bản đã lên tiếng thách thức Shusaku trong một trận đấu kéo dài 30 ván mà sử gọi là trận Sanju-bango. Đây là trận đấu dài nhất lịch sử cờ Vây với tổng cộng 23 ván cờ và thời gian thi đấu lên tới 9 tháng.Cả hai đối thủ đã luân phiên cầm quân Đen cho đến những ván cuối cùng, Shusaku đã nhường một ván cầm quân Đen cho Ota Yuzo. Trong 23 ván, ông chỉ cầm quân Đen 10 ván và quân Trắng 13 ván nhưng lại dẫn trước kẻ thách đấu với tỉ số kinh hoàng 13-7 (3 ván còn lại hoà).(Ngày nay, do phải đi sau nên người cầm quân Trắng được cộng thêm 5,5 điểm vào cuối ván. Với quy định như vậy, tỉ số trận đấu trên còn khủng khiếp hơn: Shusaku thắng 16-7).Do không thể lật ngược tình thế, Ota Yuzo bỏ cuộc nhưng viện cớ do mình ... ốm nên không có phong độ cao nhất. Những người ghét Shusaku nhân dịp này hùa vào công kích ông và quá chán nản, vị Vua cờ tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi ... 24 và lui về dạy học.Năm 1856, Shusaku đến thăm Gennan Inseki. Vị kì thủ lão luyện đã khuyên Shusaku không nên phí phạm tài năng và cần phải quay lại làng cờ. Shusaku nghe lời và lần “tái xuất giang hồ” khiến giới cờ Vây Nhật Bản chao đảo khi không ai cầm cự nổi trước sức cờ khủng khiếp của Shusaku, đặc biệt là trong những trận chính thức.
Phần IV: Mãi mãi ngự trị trên đỉnh cao
Năm 1861, sau khi đánh bại hai cao thủ giỏi nhất của Học viện Hayashi, Shusaku nhận được tin dữ báo mẹ ông, người thầy đầu tiên của ông ở môn cờ Vây rồi Hashimoto Yoshibei, người có công phát hiện thiên tài của Shusaku qua đời. Hai cái chết liên tiếp của những người thân yêu đã đánh quỵ Shusaku. Ông không thi đấu cờ Vây nữa mà lui về chịu tang.Đầu năm 1862, dịch tả tràn vào nước Nhật. Chế độ Mạc phủ rệu rã không sao ngăn chặn được đại dịch. Người chết khắp nơi. Những người còn sống bị bệnh đều phải cách ly chờ chết. Shusaku không sợ nguy hiểm, bất chấp lời khuyên của mọi người, hăng hái tham gia chăm sóc người bệnh. Ông chỉ nghĩ đơn giản rằng ông không lo cho họ thì ai lo?Sau nửa năm chăm sóc bệnh nhân, ngày 28-8, Shusaku đã có nhưng dấu hiệu bị lây bệnh. Những người hâm mộ cờ Vây và người thân của ông cảm thấy lo lắng. Đến sáng ngày 2-9, bệnh tình của Shusaku có chiều hướng thuyên giảm nhưng đến chiều thì đột ngột xấu đi. Ngày 3-9-1862, kì thủ vĩ đại Shusaku qua đời ở tuổi 33.Sau khi Shusaku qua đời, thể theo di nguyện của ông, người ta đã đưa thi hài ông an táng ở quê hương Inno. Lăng mộ Shusaku được xây dựng trên một ngọn đồi trông ra phía biển, cổng vào đề dòng chữ: “Nhật Bản đệ nhất kì thủ - Bản Nhân Phường Shusaku”.Shusaku không chỉ là một kì thủ cờ Vây vĩ đại mà còn là một nhà thư pháp và sưu tầm đồ gốm nổi tiếng. Nhưng điều khiến cho các bậc phụ huynh ở Nhật muốn con mình giống Shusaku bởi ông là một người khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, một đứa con hiếu thảo, một học trò lễ phép - những phẩm chất tốt đẹp đã làm nên cuộc đời của ông.Hỏi: Ai là kì thủ cờ Vây vĩ đại nhất?Trả lời: Người vĩ đại nhất là Bản Nhân Phường Shusaku thời Edo !!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét